Skip to Content
TỔNG QUAN
TIN TỨC - SỰ KIỆN












Visitor Tracking Visitor Tracking

User Online: 1017
Access in week: 11654
Access in month: 28375
Access in year: 865219
Total visited: 1953145

VĂN HÓA XÃ HỘI VĂN HÓA XÃ HỘI

Bài tuyên truyền về Phòng chống bệnh Bạch hầu
Publish date 10/07/2024 | 08:34  | Lượt xem: 372

Như báo Sức khỏe và Đời sống thông tin, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra một trường hợp tử vong do bệnh bạch hầu. Bệnh nhân là một phụ nữ 18 tuổi, cư trú tại bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn. Sau khi điều tra dịch tễ, ngành y tế tỉnh Nghệ An và huyện Kỳ Sơn đã xác định được 119 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân này. 119 người này thường trú tại hai huyện Kỳ Sơn và Tương Dương, trong đó có 2 người đã rời khỏi địa phương và đi làm việc tại tỉnh Bắc Giang. Hiện tại, có một người có triệu chứng đau họng và kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh bạch hầu.

Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm B. Bệnh gây ra do vi khuẩn bạch hầu sinh độc tố. Bệnh lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc người lành mang trùng và hít phải các chất tiết đường hô hấp của người bệnh bắn ra khi ho, hắt hơi. Bệnh cũng có thể lây qua tiếp xúc với đồ vật bị ô nhiễm với các chất tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.

Người bệnh và người lành mang trùng vừa là ổ chứa, vừa là nguồn truyền bệnh, trong đó người lành mang trùng đóng vai trò duy trì nguồn truyền nhiễm ở cộng đồng, điều này giải thích bệnh bạch hầu có thể đột nhiên xảy ra ở những nơi mà trước đó không thấy có ca bệnh xuất hiện.

Biểu hiện lâm sàng chủ yếu có sốt, ho, đau họng, hạch góc hàm sưng đau (cổ bạnh), tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân, có giả mạc màu trắng xám, dai, dính ở amidal hoặc thành sau họng.

Mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh nếu không có miễn dịch đặc hiệu hoặc nồng độ kháng thể ở dưới mức bảo vệ. Kháng thể của mẹ truyền sang con có tác dụng bảo vệ và thường sẽ hết tác dụng trước 6 tháng tuổi; miễn dịch có được sau mắc bệnh thường bền vững. Sau tiêm vắc xin liều cơ bản miễn dịch có thể kéo dài được vài năm song thường giảm dần theo thời gian nếu không được tiêm nhắc lại.

Tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu, quan trọng và hiệu quả nhất, đặc biệt là thực hiện tốt việc tiêm vắc xin bạch hầu trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Để phòng chống bệnh bạch hầu, Bộ Y tế khuyến cáo mỗi người dân và cộng đồng hãy chung tay thực hiện các biện pháp sau:

- Đi tiêm vắc xin bạch hầu đầy đủ, đúng lịch.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi ngờ mắc bệnh.

- Thực hiện tốt vệ sinh nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

- Đảm bảo vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống sôi, bát đũa sạch sẽ

- Khi có dấu hiệu mắc bệnh/nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cơ quan y tế để được cách ly, khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời.

- Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc kháng sinh dự phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Trung tâm y tế quận Thanh Xuân