VĂN MINH THANH LỊCH
Cổng TTĐT quận Thanh Xuân xin đăng tải Một số lưu ý đối với Chủ đầu tư, Chủ thầu thi công xây dựng các công trình, dự án thi công trên địa bàn quận về việc thực hiện các quy định của pháp luật về An toàn, vệ sinh lao động, Vệ sinh môi trường và Phòng chống cháy nổ tại các công trình xây dựng.
I. Yêu cầu chung
- Doanh nghiệp hoàn thiện đầy đủ các quyết định thành lập, giấy phép kinh doanh (Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh); ngành nghề sản xuất kinh doanh chủ yếu.
- Địa chỉ trụ sở làm việc chính của đơn vị, địa chỉ nơi sản xuất; Số điện thoại giao dịch, số Fax; Các số tài khoản của Doanh nghiệp (đăng ký theo mẫu số 08 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính).
- Cơ cấu của công trình: Tổng diện tích đất, tổng diện tích đất xây dựng, quy mô công trình (số giấy phép xây dựng được cấp; tổng số tầng hầm, tầng nổi...), tình trạng xây dựng tại thời điểm kiểm tra, sơ đồ bố trí mặt bằng tại công trình.
- Báo cáo nhanh đặc điểm lao động (Tổng số cán bộ và lao động của đơn vị trong đó số lao động nữ, số lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm)
II. Tình hình thực hiện Pháp luật lao động về An toàn lao động, vệ sinh lao động.
1. Về sử dụng lao động:
Doanh nghiệp tổng hợp số lao động đã ký HĐLĐ trong đó:
+ Hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
+ Hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng.
+ Hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
+ Hợp đồng lao động có thời hạn dưới 03 tháng.
- Số người lao động thuê lại.
- Số người chưa được ký kết hợp đồng lao động, lý do
- Số người lao động được tham gia quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc theo quy định.
2. Công tác huấn luyện AT,VSLĐ: Thực hiện theo quy định tại Điều 14 Luật An toàn, vệ sinh lao động, Nghị định 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định:
- Người quản lý phụ trách an toàn, vệ sinh lao động, người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, người làm công tác y tế, an toàn, vệ sinh viên trong cơ sở sản xuất, kinh doanh phải tham dự khóa huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và được tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cấp giấy chứng nhận sau khi kiểm tra, sát hạch đạt yêu cầu.
- Người sử dụng lao động tổ chức huấn luyện cho người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động và cấp thẻ an toàn trước khi bố trí công việc.
- Đề nghị Doanh nghiệp xây dựng Kế hoạch, chương trình huấn luyện; Tài liệu huấn luyện; sổ theo dõi công tác huấn luyện; bài kiểm tra, sát hạch.
- Danh sách những người được cấp giấy chứng nhận, chứng chỉ huấn luyện AT, VSLĐ.
3. Cấp phát các phương tiện bảo vệ cá nhân: Thực hiện theo quy định tại Điều 23 Luật An toàn, vệ sinh lao động; Thông tư số 04/2014/TT-BLĐTBXH ngày 12/02/2014 hướng dẫn thực hiện chế độ trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cụ thể như:
- Người lao động làm công việc có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại được người sử dụng lao động trang cấp đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân và phải sử dụng trong quá trình làm việc.
- Người sử dụng lao động khi thực hiện trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
+ Đúng chủng loại, đúng đối tượng, đủ số lượng, bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
+ Không phát tiền thay cho việc trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân; không buộc người lao động tự mua hoặc thu tiền của người lao động để mua phương tiện bảo vệ cá nhân;
+ Hướng dẫn, giám sát người lao động sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân;
+ Tổ chức thực hiện biện pháp khử độc, khử trùng, tẩy xạ bảo đảm vệ sinh đối với phương tiện bảo vệ cá nhân đã qua sử dụng ở những nơi dễ gây nhiễm độc, nhiễm trùng, nhiễm xạ.
- Đề nghị Danh nghiệp lập sổ theo dõi, quản lý cấp phát trang thiết bị bảo hộ lao động cho người lao động; Danh mục, chủng loại trang thiết bị bảo hộ lao động đã cấp phát; Biên bản kiểm tra, thử nghiệm các trang thiết bị làm việc có yêu cầu nghiêm ngặt về AT,VSLĐ (sào, thảm, giầy, ủng cách điện; dây an toàn ...)
4. Thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động:
- Thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, trả lương làm thêm giờ theo quy định của Bộ luật Lao động.
- Thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại.
- Thực hiện chi trả chế độ trợ cấp hoặc bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (nếu có).
5. Công tác quản lý, chăm sóc sức khoẻ cho người lao động và quan trắc môi trường lao động:
Theo quy định tại Nghị định 44, Thông tư số 14/2013/TT-BYT ngày 06/5/2013 của Bộ Y tế về hướng dẫn khám sức khỏe; Thông tư số 19/2016/TT-BYT ngày 30/6/2016 của Bộ Y tế hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe người lao động; Thông tư 15/2016/TT-BYT ngày 15/5/2016 của Bộ Y tế quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội.
- Yêu cầu khám sức khoẻ ban đầu, khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; khám phát hiện bệnh nghề nghiệp tại các Cơ sở Y tế đủ điều kiện.
- Đề nghị Doanh nghiệp trang bị phương tiện sơ cấp cứu tại chỗ, hướng dẫn sơ cấp cứu ban đầu; Đo quan trắc môi trường lao động.
- Đảm bảo chế độ nghỉ ngơi, điều dưỡng sức khỏe cho người lao động hàng năm.
6. Công tác quản lý sử dụng, khai báo các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động:
- Tùy theo từng danh mục thiết bị vật tư các đơn vị nghiên cứu theo Nghị định 44; Thông tư số 53/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2016 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành Danh mục các máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
- Danh mục và số lượng, hồ sơ các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ, số đã được kiểm định KTAT; Số chưa kiểm định KTAT, lý do.
- Nội quy, quy trình vận hành, xử lý sự cố đối với các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
- Việc khai báo trước khi đưa vào sử dụng, báo cáo việc kiểm định KTAT về Sở Lao động Thương binh & Xã hội.
- Cung cấp sổ theo dõi công tác bảo dưỡng và sửa chữa các máy, thiết bị.
- Bằng nghề, chứng chỉ nghề của người vận hành các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ.
- Công tác đảm bảo an ninh trật tự, đăng ký tạm trú của người lao động tại công trình.
7. Tình hình thực hiện công tác PCCN:
Trong quá trình thi công xây dựng, chủ đầu tư, các nhà thầu thi công phải tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ theo các quy định pháp luật về phòng cháy chữa cháy hiện hành và các nội dung sau:
- Thực hiện các giải pháp phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, phù hợp với đặc điểm công trình và đã được cơ quan Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ có thẩm quyền thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy theo quy định;
- Trang bị đầy đủ các phương tiện chữa cháy, cứu nạn cứu hộ theo quy định và luôn trong trạng thái sẵn sàng hoạt động;
- Các nhà thầu thi công phải thành lập đội Phòng cháy chữa cháy cơ sở; đội Phòng cháy chữa cháy cơ sở và những người làm việc trong môi trường nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thường xuyên tiếp xúc với các chất, vật tư, vật liệu nguy hiểm về cháy, nổ phải được huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy chữa cháy theo quy định;
- Chủ đầu tư và các nhà thầu thi công phải xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đảm bảo khả năng thoát nạn an toàn và cứu người, bảo vệ tài sản khi cháy xảy ra trong công trình đang xây dựng và trên toàn bộ công trường.
Đề nghị các doanh nghiệp thành lập:
+ Thành lập Đội PCCC, danh sách đội PCCC cơ sở.
+ Tổ chức công tác tuyên truyền, huấn luyện PCCC: Danh sách, chứng chỉ huấn luyện PCCC.
+ Xây dụng phương án PCCC của đơn vị lập đã được cơ quan chức năng phê duyệt.
+ Lập sổ theo dõi trang thiết bị PCCC; Sổ theo dõi chế độ bảo trì, bảo dưỡng hệ thống báo cháy và các trang thiết bị PCCC.
+ Lưu và thực hiện các kiến nghị tại biên bản kiểm tra PCCC của cơ quan chức năng.
+ Tổ chức công tác tự kiểm tra về PCCC &CNCH tại công trường theo quy định
8. Việc thực hiện công tác AT, VSLĐ tại công trình
Việc thực hiện các quy định tại các Điều 7, Điều 19, Điều 76; Nghị định 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ (sau đây viết tắt là Nghị định 39); Thông tư số 07/2016/TT BLĐTBXH ngày 15/5/2016 của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội; Thông tư số 04/2017/TT-BXD ngày 30/3/2017 của Bộ Xây dựng quy định về quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình; Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia an toàn trong xây dựng (QCVN18:2014/BXD) ban hành kèm theo Thông tư 14/2014/BXD ngày 5/9/2014; các quy chuẩn máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ:
* Đối với Chủ đầu tư (BQL dự án):
- Số lao động đang làm việc tại công trình (phân loại HĐLĐ đã ký, hồ sơ quản lý sức khỏe người lao động; hồ sơ huấn luyện ATVSLĐ, PCCC...).
- Tổng diện tích đất, tổng diện tích xây dựng, quy mô công trình (số giấy phép xây dựng được cấp; tổng số tầng hầm, tầng nổi...), tiến độ xây dựng.
- Xây dựng quy chế phối hợp kiểm tra giữa Chủ đầu tư với các đơn vị thi công về công tác AT,VSLĐ - PCCN.
- Rà soát tổng số lao động của các nhà thầu trên công trình; tổng số máy thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ trên công trình (số thiết bị đã kiểm định và khai báo...); tổng số các vụ TNLĐ, cháy nổ xảy ra trên công trường.
* Hồ sơ năng lực của Tư vấn giám sát:
- Hợp đồng tư vấn giám sát.
- Nhật ký giám sát.
- Rà soát số lượng tư vấn giám sát đang làm việc tại công trình. Hồ sơ của từng tư vấn giám sát gồm: Chứng chỉ tư vấn giám sát, giấy chứng nhận AT, VSLĐ, giấy khám sức khỏe, hợp đồng lao động).
* Hồ sơ đơn vị thi công:
- Kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động.
- Văn bản phân cấp trách nhiệm về công tác AT,VSLĐ của đơn vị.
- Phương án xử lý sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng, ứng cứu khẩn cấp.
- Tổ chức bộ máy quản lý về an toàn lao động, vệ sinh lao động tại công trường:
+ Quyết định cử người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động; người làm công tác y tế.
+ Quyết định thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên; quy chế hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh.
- Các biện pháp đảm bảo an toàn lao động, biện pháp thi công đã được phê duyệt. Hồ sơ lắp đặt giàn giáo, giá đỡ, sàn công tác, lan can an toàn và biên bản nghiệm thu, thử tải.
- Bản vẽ tổng mặt bằng thi công.
- Bố trí sắp xếp, lắp đặt các máy, thiết bị, mặt bằng thi công, vệ sinh công nghiệp.
- Biện pháp đảm bảo an toàn trên công trường: an toàn điện, đo trị số tiếp địa máy, động cơ điện, đo điện trở cách điện của động cơ, đo thu lôi chống sét; lắp đặt che chắn các vị trí nguy hiểm có nguy cơ ngã cao, hệ thống biển cảnh báo, đèn cảnh báo...
- Các hệ thống biển nội quy, quy trình vận hành các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ.
- Các biện pháp đảm bảo AT,VSLĐ tại nơi làm việc và nơi cất giữ, bảo quản, sử dụng hóa chất độc hại và các chất dễ cháy nổ.
- Các biện pháp vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động, môi trường lao động: ánh sáng, hệ thống thông gió, độ thông thoáng, không gian làm việc, hệ thống xử lý chất thải rắn, lỏng và khí thải.
- Thực hiện công tác tự kiểm tra AT,VSLĐ - PCCN tại đơn vị.
9. Việc thực hiện công tác Vệ sinh môi trường, phòng chống dịch
Căn cứ Điều 17, Điều 19, Điều 23 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007; Luật An toàn thực phẩm; Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ yêu cầu:
- Phải thực hiện biện pháp bảo đảm vệ sinh nơi ở, nơi công cộng, nơi sản xuất, xử lý chất thải công nghiệp, sinh hoạt và các biện pháp bảo đảm khác về vệ sinh theo quy định của pháp luật để không làm phát sinh, lây lan bệnh truyền nhiễm.
- Các đơn vị khi phát hiện bệnh hoặc dấu hiệu bệnh truyền nhiễm có trách nhiệm thông báo cho Ủy ban nhân dân, cơ quan chuyên môn y tế hoặc cơ sở y tế nơi gần nhất.
- Trường hợp công trình, dự án có tổ chức chế biến, dịch vụ ăn uống (bếp ăn tập thể) phải chấp hành các quy định của pháp luật trong đảm bảo an toàn thực phẩm; Bếp ăn được bố trí bảo đảm có đủ nước; sử dụng thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm phải rõ nguồn gốc; dụng cụ nấu nướng, chế biến phải đảm bảo an toàn vệ sinh; người trực tiếp chế biến thức ăn phải được khám sức khỏe định kỳ và được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm; dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải bảo đảm vệ sinh; Cống rãnh ở khu vực nấu ăn phải thông thoát, không ứ đọng; có biện pháp ngăn ngừa côn trùng và động vật gây hại.
- Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe, an toàn thực phẩm cho công nhân, người lao động: Trong trường hợp công trình, dự án không tổ chức chế biến, dịch vụ ăn uống (bếp ăn tập thể) mà hợp đồng với đơn vị khác cung cấp suất ăn sẵn cho công nhân thì phải có hợp đồng với các cơ sở có đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định. Trường hợp không tổ chức chế biến dịch vụ ăn uống và cung cấp suất ăn sẵn cho người lao động thì chủ công trình dự án hướng dẫn người lao động ăn uống tại các cơ sở đảm bảo an toàn thực phẩm để đảm bảo sức khỏe.
10. Đảm bảo trật tự, trị an trong quá trình xây dựng
- Chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng nếu có nhu cầu cho cán bộ, công nhân và lao động ở lại công trường xây dựng phải đăng ký tạm trú với cơ quan công an phường, xã, thị trấn sở tại.
- Chủ đầu tư và các nhà thầu có trách nhiệm quản lý các hoạt động của những người do mình thuê trong suốt thời gian thi công và ở tại công trình; phối hợp với công an, chính quyền phường sở tại đảm bảo trật tự an ninh, an toàn xã hội khu vực thi công.
- Chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng phải xây dựng phương án quản lý và bảo vệ cơ sở vật chất, thiết bị xe máy; thực hiện đúng các quy định về phòng chống cháy nổ; phối hợp với chính quyền sở tại đảm bảo an toàn và vệ sinh môi trường trong thời gian thi công.
11. Giải quyết hư hỏng công trình liền kề
- Chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng công trình (kể cả cải tạo, nâng cấp, phá dỡ) có hành vi tổ chức thi công vi phạm các quy định về xây dựng, gây thiệt hại cho công trình lân cận (bao gồm cả công trình hạ tầng kỹ thuật) thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định, đồng thời tạm dừng thi công để khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại. Trình tự giải quyết thực hiện theo các bước sau:
+ Việc bồi thường thiệt hại do chủ đầu tư và bên bị thiệt hại tự thỏa thuận. Nếu sau khi biên bản vi phạm hành chính được lập, bên vi phạm và bên bị thiệt hại không tự thỏa thuận được và một bên có đơn yêu cầu thì Chủ tịch UBND cấp xã chủ trì việc thỏa thuận mức bồi thường thiệt hại giữa bên vi phạm và bên bị thiệt hại. Hết thời hạn 07 ngày kể từ ngày thỏa thuận lần đầu không thành hoặc bên bị thiệt hại vắng mặt tại buổi thỏa thuận lần đầu mà không có lý do chính đáng, Chủ tịch UBND cấp phường tổ chức thỏa thuận lần hai. Tại buổi thỏa thuận lần hai mà bên bị thiệt hại tiếp tục vắng mặt không có lý do chính đáng thì bên vi phạm được tiếp tục thi công xây dựng sau khi chuyển khoản tiền tương đương mức thiệt hại gây ra vào tài khoản bảo lãnh tại ngân hàng, chủ đầu tư phải cam kết sửa chữa hư hỏng cho bên bị thiệt hại và có biện pháp kiểm soát hậu quả không để xảy ra những thiệt hại khác. Chủ tịch UBND cấp xã quyết định mức tiền bảo lãnh căn cứ vào yêu cầu của bên bị thiệt hại, có xem xét đến đề nghị, giải trình của bên vi phạm;
+ Trường hợp thỏa thuận lần hai không thành, hai bên thống nhất mời một tổ chức độc lập, có tư cách pháp nhân để xác định mức độ thiệt hại làm cơ sở bồi thường. Trong thời hạn 07 ngày mà hai bên không thống nhất được việc mời tổ chức để giám định, Chủ tịch UBND cấp xã quyết định mời một tổ chức để giám định, chi phí do bên vi phạm chi trả;
+ Trong thời hạn 07 ngày mà một trong các bên không thống nhất với kết quả do tổ chức giám định đưa ra, bên đó có quyền mời một tổ chức khác và tự chi trả chi phí. Kết quả giám định này là căn cứ để xác định mức bồi thường. Trường hợp bên còn lại không thống nhất với kết quả lần hai, Chủ tịch UBND phường quyết định mức bồi thường theo mức trung bình của kết quả giám định lần 1 và kết quả giám định lần 2;
+ Sau 30 ngày mà tổ chức giám định không cung cấp kết quả giám định, Chủ tịch UBND cấp xã quyết định sử dụng kết quả giám định ban đầu làm cơ sở xác định bồi thường thiệt hại. Bên gây thiệt hại có trách nhiệm mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng và chuyển đầy đủ số tiền bồi thường theo kết quả giám định vào tài khoản đó, chủ đầu tư phải cam kết sửa chữa hư hỏng cho bên bị thiệt hại. Sau khi bên gây thiệt hại đã chuyển đủ số tiền vào tài khoản tại ngân hàng, Chủ tịch UBND cấp xã quyết định cho phép tiếp tục thi công xây dựng.
- Trường hợp bên bị thiệt hại không thống nhất với mức bồi thường thì có quyền khởi kiện tại Tòa án.
- Trường hợp bên gây thiệt hại không bị xử phạt vi phạm hành chính thì vẫn áp dụng quy định tại các Điểm a, Điểm b, Điểm c, Điểm d Khoản 1 Điều này để giải quyết việc bồi thường thiệt hại.
- Trường hợp công trình xây dựng có nguy cơ sụp đổ hoặc gây sụp đổ công trình lân cận, UBND cấp xã phải thực hiện kiểm tra ngay sau khi nhận được trình báo của bên bị thiệt hại, có kế hoạch và chịu trách nhiệm di chuyển người, tài sản ra khỏi công trình bị hư hỏng; kịp thời yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng công trình dừng thi công và có ngay biện pháp chống đỡ công trình hư hỏng, đồng thời báo cáo UBND cấp huyện để tiếp tục giải quyết. Chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng chỉ được phép tiếp tục thi công sau khi công trình liền kề có nguy cơ sụp đổ đã được xử lý đảm bảo an toàn. Chủ đầu tư có trách nhiệm hỗ trợ tiền di chuyển và thuê chỗ ở tạm thời cho bên bị thiệt hại trong thời gian giải quyết.
12. Thu dọn, bàn giao mặt bằng công trường
Chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật về xây dựng công trình tạm và các yêu cầu sau:
- Chậm nhất 30 ngày sau khi kết thúc xây dựng, chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng phải tháo dỡ xong toàn bộ công trình xây dựng tạm (trừ trường hợp công trình xây dựng tạm phù hợp quy hoạch được duyệt), nhà vệ sinh, chuyển hết vật liệu, cấu kiện thừa, phế thải xây dựng đến nơi quy định của Thành phố, di chuyển máy móc, thiết bị phục vụ thi công ra khỏi mặt bằng công trình, nạo vét bùn, đất, phế thải, sửa chữa những vị trí hư hỏng của đường, vỉa hè, hệ thống thoát nước do quá trình thi công gây nên, dọn dẹp mặt bằng công trường để bàn giao lại cho chủ đầu tư hoặc chủ quản lý sử dụng, cơ quan quản lý chuyên ngành. Nghiêm cấm chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng sử dụng công trình tạm vào mục đích khác sau khi đã kết thúc thi công.
- Đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm (cấp điện, cấp nước, thoát nước...) công trình xây dựng, duy tu cải tạo nâng cấp hè, đường, hạ ngầm đường dây đi nổi ngay sau khi xây dựng xong toàn bộ hoặc từng phần (đối với công trình xây dựng theo tuyến) chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng phải san, lấp, dọn dẹp hoàn trả lại mặt bằng nguyên trạng đảm bảo cảnh quan, an toàn giao thông trong khu vực.
- Trường hợp chủ đầu tư không chấp hành việc tháo dỡ, chính quyền địa phương tổ chức tháo dỡ thu hồi vật tư. Chủ đầu tư phải chịu toàn bộ chi phí tháo dỡ.
13. Chế độ thông tin, báo cáo
- Các đơn vị khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên và gửi báo cáo định kỳ về Phòng Lao động Thương binh và xã hội quận (theo quy định tại Nghị định 39 và Thông tư số 07/2016/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2016 của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội; Thông tư 08/2016/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2016 của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội hướng dẫn thu thập, lưu trữ, tổng hợp, cung cấp, công bố, đánh giá về tình hình TNLĐ và sự cố kỹ thuật gây mất AT,VSLĐ nghiêm trọng).
- Thực hiện việc điều tra, lập biên bản TNLĐ báo cáo TNLĐ về Phòng Lao động Thương binh và xã hội Quận (theo quy định Nghị định 39)./.